TRUYỀN THÔNG ĐÃ LÀM GÌ TRONG NĂM 2019?

Truyền thông có thể cho cả thế giới thấy tình mẹ bao la khi một sản phụ ung thư giai đoạn cuối gắng gượng tới phút cuối để con được làm người, nhưng truyền thông lại bỏ quên 1 em bé trên xe và những góc khuất không ai nhìn thấy.

Truyền thông có thể giúp cho 1 dự án bán hơn 10,000 căn hộ của 1 khu đô thị vùng ven trong vòng 17 ngày, nhưng cũng chính truyền thông bỏ quên sai phạm làm ảnh hưởng tới hơn 1,000 hộ dân ở 1 khu đô thị trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh.

Truyền thông có thể làm cho cả dân tộc xích lại gần nhau hơn khi Việt Nam Vô địch AFF cup, nhưng truyền thông không thể làm cho 39 nạn nhân người Việt sống lại khi phải rời xa dân tộc tìm kiếm phồn hoa nơi xứ người.

Truyền thông có thể giúp cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn thông qua việc có hơn 17 triệu khách du lịch quốc tế, nhưng truyền thông lại không cho thế giới biết lý do Thủ đô của chúng ta vì sao ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.

Truyền thông có thể giúp cho bộ phim “mắt biếc” đạt doanh thu kỷ lục sau 1 tuần công chiếu, nhưng truyền thông không giải quyết được vụ án “mắc nợ” của siêu dự án đường sắt trên cao.

Truyền thông có thể làm cho các bác Vê Lốc, các anh hùng bàn phím Giang hồ kiếm hàng trăm triệu đồng hàng tháng, nhưng lại không thể giúp 1 cụ già 83 tuổi xin thoát nghèo và câu chuyện về lòng tự trọng.

Truyền thông có thể nhìn thấy tường tận cú bắt tay lịch sử Mỹ Tiên, chiến tranh Mỹ Trung, nhưng truyền thông lại chậm trễ trong việc phản ánh việc xả thải 9 triệu tấn dầu làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ảnh hưởng hàng ngàn hộ dân Thủ đô.

Truyền thông có thể trả lời câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?”, nhưng lại không trả lời được câu hỏi làm sao để có thể nằm trong “nhóm ***” xếp hạng tỷ phú đô Trump.

Truyền thông có thể giết chết hoạt động của 1 khu resort cao cấp với hơn 5000 đánh giá 1* sau sự cố bị tố lừa đảo, nhưng truyền thông cũng tiếp tay cho việc hơn 5000 người bị sập bẫy một công ty Địa Ốc vì muốn làm giàu nhanh.

Truyền thông có thể giúp một cậu bé 15 tuổi ở Hong Kong trở thành IDOL trong mắt thanh niên Việt, nhưng truyền thông lại bỏ quên vụ lùm xùm liên quan tới sữa học đường, bữa cơm học đường ảnh hưởng tới hàng ngàn thế hệ trẻ Việt Nam.

Truyền thông có thể làm dậy sóng showbiz qua chuyện 1 ca sĩ trẻ triệu view bị bóc lột, nhưng truyền thông lại không làm dậy sóng bức xúc của hàng ngàn trẻ em bị bóc lột và bán tới Châu Âu.

Truyền thông có thể làm sóng dậy mạng xã hội từ clip của một ca sĩ bị hack camera từ năm 2015, nhưng lại bỏ quên ngay một vụ án chấn động lịch sử với những tội phạm và tội danh vô cùng đặc biệt ở năm 2019.

Truyền thông có thể cho người dân thấy tốc độ tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới cùng với chỉ số giá CPI thấp nhất trong vài năm gần đây, nhưng truyền thông không thấy được lý do giá sữa, giá thuốc, giá heo tăng một cách bất hợp lý.

Tóm lại, truyền thông có ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới nhận thức của công chúng, là công cụ có thể bẻ gãy được nhận thức, và trầm trọng hơn theo lý thuyết “hiệu ứng sự thật – The truth effect” khi mà một ứng xử sai được lặp đi lặp lại trở thành chuẩn mực của xã hội. Chào xuân 2020 với hy vọng sang năm truyền thông sẽ làm tốt hơn nữa vai trò của mình.