Theo số liệu báo cáo từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, đến tháng 6/2019 có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, chiếm khoảng 10% – một tỷ lệ rất thấp. Tại VN trách nhiệm pháp lý của môi giới chưa được cụ thể rõ ràng bằng luật, bằng chế tài. Chưa có ai mua nhà xong đi kiện môi giới, môi giới nói gì cũng được, nói sai thì thôi, …
Mỗi người môi giới từ hàng sơ cấp, thứ cấp nên tự ý thức trách nhiệm của mình. Chưa kể việc bị thị trường, bị khách hàng đào thải, về lâu dài sẽ được luật hoá bằng các văn bản pháp luật khi hành nghề. Nếu môi giới không thay đổi thì không bắt kịp được. Một môi giới chuyên nghiệp cần có trách nhiệm gồm những điều sau:
1, Minh bạch, tin cậy được về tài chính (accountability): người môi giới phải minh bạch, rõ ràng với khách hàng về tất cả những gì liên quan đến tiền bạc. Khi có sự yêu cầu của khách hàng, môi giới phải thông tin đầy đủ, trung thực về giá cả mua bán, chi phí phát sinh, tiền hoa hồng cùng tất cả những gì liên quan đến tiền bạc trong suốt thời gian mua/bán nhà với khách hàng.
2, Kín đáo (confidentiality): môi giới phải giữ kín, không tiết lộ những gì làm ảnh hưởng thiệt hại đến quyền lợi của khách hàng trong quá trình mua bán. Giữ kín ở đây không có nghĩa là giấu đi những sự thật vật chất (hư hỏng về căn nhà (mua/bán). Bởi vì làm như thế là không trung thực với công chúng trong tiến trình mua bán địa ốc. Hiện nay thấy một số môi giới không ăn được thì đạp đổ, công khai thông tin cá nhân, công khai chuyển tiền, số tài khoản, …. của khách hàng để bóc phốt, để bàn tán. Làm vậy là thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp.
3, Năng lực (competence): môi giới phải có đủ những kiến thức chuyên môn để thực hiện trách nhiệm mua/bán cho khách hàng của mình. Năng lực, kiến thức ở đây phải được hiểu là năng lực kiến thức chuyên môn, vượt trên các kiến thức bình thường của những người không hành nghề chuyên môn. Ở đây là hiểu biết về thị trường, về sản phẩm, nhìn nhận được xu hướng thị trường.
4, Tin cậy và bộc lộ hết (good faith/full disclosure): Tin cậy ở đây hiểu theo nghĩa là hành xử thay cho khách hàng trong sự trung thực, không lợi dụng lòng tin (từ khách hàng) để trục lợi. Bộc lộ hết nghĩa là phải có trách nhiệm thông tin tất cả mọi điều gì mình biết được về căn nhà mua/bán. Bao gồm cả giá thị trường, phẩm chất của căn nhà cùng tất cả những gì có ảnh hưởng tốt/ xấu đến căn nhà ấy.
5, Trung thành (loyalty): Trung thành là yêu cầu quan trọng nhất của một môi giới đối với khách hàng của mình. Trung thành ở đây được hiểu là người môi giới phải đặt quyền lợi của khách hàng lên trên tất cả (trừ pháp luật – dĩ nhiên). Trách nhiệm trung thành này đòi hỏi người môi giới phải luôn luôn hành xử vì quyền lợi của khách hàng trong mọi tình huống. Cho đến khi hoàn tất nhiệm vụ mua/bán của mình.
6, Tuân thủ (obedience): Người môi giới, phải lắng nghe và thực hiện theo lời chỉ dẫn (hợp pháp) của khách hàng – dù cá nhân mình có đồng ý hay không.
Tóm lại lúc nào cũng phải hành động trung thực, minh bạch và công bằng với mọi người khách hàng và công chúng.
Cao Hữu.