GỠ KHÓ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN – THÚC ĐẨY NỀN KINH TẾ ĐI LÊN

 “Thị trường bất động sản được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế, bởi tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hầu hết các ngành, nghề. Một khi thị trường bất động sản gặp khó sẽ tác động đến 40 ngành nghề khác, kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Sự khó khăn của thị trường trong thời gian vừa quan đã kéo theo những lo ngại về tăng trưởng kinh tế”, ông Châu cho biết.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: tỷ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 – 1,4, tức là 1% tăng trưởng BĐS sẽ tạo ra 1,3 – 1,4% tăng trưởng của nền kinh tế. Để dễ hình dung, ông Nghĩa ví bất động sản như đầu kéo của một đoàn tàu. Đầu kéo khựng lại thì toàn bộ phía sau sẽ bị dồn toa.

screenshot_1681871294

Cũng theo TS Lê Xuân Nghĩa: “Bất động sản là một trong những khu vực đầu tư có doanh lợi vốn cao nhất sau chứng khoán. Khi bất động sản gặp vấn đề, một nguồn vốn xã hội rất lớn sẽ bị chôn vùi, ảnh hưởng đến toàn bộ tăng trưởng kinh tế nói chung. Trong tất cả các cuộc khủng hoảng của thế giới, đáng sợ nhất là khủng hoảng liên quan đến bất động sản vì nó sẽ kéo theo khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế”.

Thị trường bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, vì vậy khi thị trường này gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Có thể nói GDP quý 1/2023 ghi nhận là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 – thời điểm dịch Covid-19. Trong số nhiều nguyên nhân dẫn tới tụt giảm tăng trưởng kinh tế nghiêm trọng, không thể không nhắc tới sự đóng băng của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến ngành xây dựng và hàng chục ngành nghề khác lao đao.

Nói về nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của TP.HCM giảm sâu, tại hội nghị của Thành ủy TP.HCM diễn ra tuần qua Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng của thành phố thấp một phần do thị trường bất động sản “đóng băng” gần như 90%, gây nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng và ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh khác như vật liệu xây dựng, công nghiệp, dịch vụ…

Có thể nói, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ngược lại, thị trường bất động sản thiếu ổn định, giá cả bất hợp lý hoặc trầm lắng kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho người dân và gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Vì vậy, giải quyết khó khăn cho thị trường bất động trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành.