COVID 19: THỊ TRƯỜNG VÀNG, CHỨNG KHOÁN, BẤT ĐỘNG SẢN – NÊN MUA HAY BÁN?

117223776_4026837623998384_3122415010859790848_o

Chưa bao giờ quyết định đầu tư hoặc bán trong giai đoạn dịch covid lại khó ra quyết định như thế, Vàng-Chứng Khoán-Bất động sản cả 3 có mối quan hệ như thế nào, và thời điểm này nên mua hay bán?

1/ Mối quan hệ giữa vàng, chứng khoán và bất động sản

Trước khi tìm hiểu về mối quan hệ giữa 3 loại hình đầu tư này thì phải bắt đầu với việc các nhà đầu tư trên thị trường chấp nhận rủi ro ở mức độ nào, mỗi nhà đầu tư là một cá thể độc lập, có tâm lý khác nhau cũng như nguồn vốn khác nhau nên mức độ chấp nhận cũng sẽ rất khác nhau. Mức chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư thường được chia làm 3 loại:

(i) Nhà đầu tư tìm kiếm rủi ro (Risk-Seeking) là việc chấp nhận rủi ro lớn và không chắc chắn trong đầu tư để đổi lấy lợi nhuận cao. Đây là nhóm nhà đầu tư có thiên hướng thích tìm lợi nhuận qua kênh chứng khoán/Forex đặc biệt trong các thời điểm có biến động lớn của thị trường như Dịch Covid làm thị trường BDS giảm mạnh thì các nhà đầu tư này có thiên hướng nhảy vào thị trường khi có cơ hội, mà không quan tâm nhiều tới việc Dịch Covid có ảnh hưởng mạnh hay không?

(ii) Nhà đầu tư trung lập với rủi ro (Risk-Neutral) là nhóm bàng quang với rủi ro khi đưa ra các quyết định đầu tư thường ít quan tâm tới biến động thị trường. Đây là nhóm nhà đầu tư sẽ không phân biệt khi đứng trước 2 cơ hội có cùng lợi nhuận nhưng rủi ro khác nhau. Đây là nhóm đầu tư lựa chọn theo xu hướng – không quan tâm đó là loại tài sản nào, chỉ đặt ra kỳ vọng từ đây cho tới 1 năm sau loại tài sản nào mang lại sinh lợi cao hơn.

(iii) Nhóm đầu tư Ngại rủi ro (Risk Adverse) là nhóm nhà đầu tư có thiên hướng lựa chọn dự án có lợi nhuận tương tự nhưng rủi ro thấp hơn. Đây là nhóm nhà đầu tư chiếm nhiều nhất trên thị trường, tâm lý lựa chọn phương án an toàn nhất, sẽ ít quan tâm tới lợi nhuận bằng việc lo sợ rủi ro, do đó vàng và gửi tiền vào ngân hàng là phương án nghĩ tới đầu tiên.

Như vậy có thể nhìn thấy cùng một nguồn đầu tư từ các nhóm có tâm lý lo ngại rủi ro khác nhau dẫn tới phương án lựa chọn đầu tư cũng khác biệt, cơ chế đầu tư cũng sẽ là lựa chọn “chọn vàng thì sẽ không đầu tư chứng khoán và BDS, chọn chứng khoán thì sẽ ít có xu hướng đầu tư vàng và bất động sản và một ít sẽ phân chia đầu tư dàn trải”. Việc này làm cho 3 thị trường này vừa tách biệt vừa quan hệ chặt chẽ lẫn nhau thông qua cơ chế “BÌNH THÔNG NHAU”, khi 1 trong 3 thị trường có lực đẩy hoặc nén thì sẽ ảnh hưởng các thị trường còn lại. Các nhà đầu tư nếu lựa chọn dòng vốn đi vào thị trường Chứng khoán thì sẽ phải rút bớt tiền từ kênh khác, hoặc ngược lại khi có rủi ro xảy ra nhà đầu tư thường có xu hướng bán các tài sản có độ nhạy cao với thị trường như Chứng khoán đề đầu tư vào vàng-ngân hàng để bảo toàn vốn.

Cơ chế đầu tư giai đoạn này tương đối rõ ràng, khi rủi ro tăng cao (khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh, khủng hoảng tài chính…) người dân sẽ có xu hướng cao tập trung đầu tư vào vàng, điều này làm cho giá vàng cao ở mức kỷ lục, tuy nhiên, thời điểm vàng đã chạm đỉnh lịch sử thì việc lựa chọn MUA HAY BÁN ở cả 3 thị trường này đều rất khó quyết định.

2/ Thị trường chứng khoán – NÊN MUA HAY BÁN.

Trong 3 thị trường thì chứng khoán là kênh đầu tư có độ nhạy cao nhất, toàn bộ những bất ổn cả trên bình diện: chính trị thế giới, chính trị trong nước, kinh tế trong nước, kinh tế nước ngoài thậm chí cả biến động về xã hội cũng gây ảnh hưởng không nhỏ lên thị trường này. Đầu tiên nhìn nhận một cách khách quan VNI-INDEX không còn thể hiện đúng hơi thở của thị trường, đôi khi nó còn bị méo đi khi mà chỉ cần 4-5 cổ phiếu có vốn hóa lớn có thể làm thay đổi sự tăng/giảm của cả toàn bộ. Khi thước đo thị trường dễ bị thổi bay bởi vài cổ phiếu thì câu chuyện làm giá cổ phiếu vẫn xảy ra thường ngày ở huyện, khi đó nhà đầu tư nhỏ lẽ thường là những con cá con ở đại dương, cá mập sẽ nuốt chửng bạn trong khi bạn đang hăng máu nhất.

Thị trường chứng khoán trong 7 tháng đầu năm này có thể đúc kết ở 1 câu “lên nhanh-xuống nhanh”, đặc biệt khi dịch Covid chưa được kiểm soát trên diện rộng thì Rủi ro ở thị trường này tương đối cao.

NÊN MUA: giai đoạn này các nhà đầu tư giá trị ít quan tâm tới rủi ro – Risk Neutral sẽ tham gia mạnh ở các giai đoạn thị trường bị đánh giá thấp, ví dụ: giai đoạn khi có giãn cách xã hội VN-INDEX giảm sâu xuống còn 655 điểm (giảm hơn 35%) – xu hướng thị trường chưa ổn định do đó lựa chọn thời điểm thích hợp để mua vào sẽ tối ưu lợi nhuận.

NÊN BÁN: khi mà mọi thứ chưa được kiểm soát dịch vẫn chưa ở giai đoạn đỉnh điểm và thậm chí sẽ tiếp tục diễn ra cả năm 2021, chúng ta phải tập quen với tình trạng “Bình thường mới này”, thì đây cũng là thời điểm vàng để có thể giữ tiền chờ cơ hội, khi rủi ro cao hơn được khả năng sinh lời thì “còn tiền là còn quyền quyết định lãi/lỗ”. Khối ngoại cũng đã rút hơn 12,000 tỷ trong giai đoạn thị trường chưa ổn định, khi bạn không tự quyết được thì hãy nhìn vào các nhà đầu tư ngoại.

3/ Thị trường VÀNG – NÊN MUA HAY BÁN

Khác với 2 thị trường còn lại- thị trường vàng phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến của thế giới, khi giá vàng thế giới lập đỉnh thì ngay lập tức giá vàng trong nước cũng đạt ngưỡng lịch sử (thậm chí tăng nhanh hơn), cuộc đua vẫn chưa dừng lại khi có nhiều chuyên gia trong nước và thế giới dự báo giá vàng có thể lập các đỉnh mới cao hơn thậm chí có thể đạt mốc 70-75tr/lượng, các dự báo này dựa trên các cơ sở:

– Tình hình dịch bệnh ở cả Việt Nam và thế giới vẫn chưa dừng lại và có thể kéo dài cho tới năm 2021 – điều này gây ra khó khăn lớn trong việc mở cửa kinh tế – kênh trú ẩn an toàn khi có rủi ro vẫn chỉ là vàng.

– Bất ổn chính trị và chiến tranh thương mại giữa các quốc gia lớn – đặc biệt trong giai đoạn Dịch Covid – Donal Trump đã ban hành lệnh cấm TikTok và Wechat ở thị trường Mỹ gây ảnh hưởng tới hàng loạt công ty công nghệ có liên quan, việc này dẫn tới căng thẳng chính trị/kinh tế ngày càng leo thang giữa 2 cường quốc này.

– Dòng vốn bơm vào các nền kinh tế lớn – gây ra lạm phát và giá đồng tiền sẽ giảm đi theo thời gian – đương nhiên vàng hữu hạn sẽ tăng giá.

NÊN MUA HAY BÁN: Nhận xét một cách khách quan thì thị trường vàng đang rơi vào giai đoạn QUÁ MUA, thị trường được nhận định là tăng quá nhanh và bị mua quá nhiều – lúc này rơi vào tình trạng chỉ nên GIỮ, KHÔNG NÊN MUA BÁN. Nhược điểm lớn nhất của thị trường này là những nhà đầu tư siêu giàu nếu lựa chọn vàng để đầu tư thì khá khó vì có thể cần phải có nơi cất giữ an toàn với số lượng lớn….

4/ Thị trường Bất động sản – NÊN MUA HAY BÁN

Theo thống kê gần đây của Batdongsan.com.vn trong giai đoạn 2010-2020 thì giá nhà ở 2 thành phố lớn Hà Nội-Hồ Chí Minh tăng từ 2-3 lần trong khi đó giá vàng và chứng khoán chỉ tăng trong khoảng 25%-45% như vậy có thể thấy trong dài hạn, bất động sản là kênh đầu tư có thể mang lại giá trị lợi nhuận cao nhất.

Nhìn lại thị trường bất động sản trong tháng 6-7-8/2020 các chủ đầu tư tranh thủ mở bán và cung cấp ra thị trường một lượng cung tương đối khủng chủ yếu tập trung mạnh ở thị trường phía đông với hơn 12,000 sản phẩm mới được tung ra và cũng đồng thời thiết lập mặt bằng giá mới ở các khu vực (Quận 9, Bình Dương, Long Thành…). Điều này gần như đi trái ngược với tâm lý chờ đợi giá giảm hoặc bong bóng sẽ xảy ra, thực tế bất động sản cũng là một kênh trú ẩn an toàn và có mức sinh lời tốt nên bất chấp thị trường có biến động thì các chủ đầu tư vẫn tự tin mở bán trong giai đoạn này. Có 2 yếu tố chính ảnh hưởng tới quyết định mở bán trong giai đoạn này:

(1) Nguồn cung khan hiếm: trong khoảng thời gian 2018-2020 các dự án trên thị trường Hồ Chí Minh thực sự khan hiếm do thủ tục pháp lý phức tạp và chưa hoàn thiện, các chủ đầu tư phải xách tiền đi đầu tư các khu vực vệ tinh – vốn dễ dàng hơn về pháp lý, khi các CDT ở Hồ Chí Minh đi chinh chiến thị trường tỉnh lập tức tạo ra mặt bằng giá mới.

(2) Dòng tiền: gần như 6 tháng đầu năm các chủ đầu tư bắt đầu phải thở oxy, thậm chí 1 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, doanh thu 6 tháng rất khiêm tốn ở mức dưới 100 tỷ…dòng tiền không đủ chi bắt buộc các chủ đầu tư phải ngay lập tức bán ngay các sản phẩm có thu tiền ngay.

Tóm lại, thị trường ở giai đoạn này vẫn tương đối phức tạp, chỉ khi cần dòng tiền mới nên bán còn lại xét về lịch sử thì bất động sản vẫn là kênh trú ấn và tạo ra được lợi nhuận lớn trong tương lai, thay vì đầu tư ồ ạt như trước thì lựa chọn sản phẩm phù hợp để ĐẦU TƯ NGAY MÙA DỊCH.