Nhiều chuyên gia cùng nhận định, đến cuối quý 3/2021, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường BĐS sẽ đón một cơn sóng nhỏ vào cuối năm, giao dịch trên thị trường sẽ quay trở lại.

 

Mặc dù dịch bệnh khiến thị trường bất động sản giảm tốc nhưng có nhiều lạc quan vào những tháng cuối năm.

Hầu hết các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành cùng nhận định, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 8 thì đầu quý 4 thị trường bắt đầu có tín hiệu hồi phục và giai đoạn cuối năm sẽ trỗi dậy sôi động. Vì sau một thời gian đã bị kìm hãm và nín thở quá lâu, đây là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp đồng loạt chạy đua triển khai các dự án mới hoặc kích hoạt lại các dự án đã bị gián đoạn trong dịch bệnh khiến nguồn cung đa dạng, sôi nổi. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sẽ thay đổi chính sách và phương thức bán hàng có lợi cho nhà đầu tư để kích cầu sức mua trong giai đoạn cuối năm.

Với người mua, việc tiếp cận được nguồn sản phẩm đa dạng với chính sách thanh toán linh hoạt tối ưu giúp họ có nhiều sự lựa chọn, kích cầu sức mua toàn thị trường. Mặt khác, sau thời gian dự trữ tiền mặt và các kênh đầu tư ngắn hạn, khách hàng sẽ có động thái dồn tiền về kênh đầu tư BĐS để tìm kiếm hướng đi an toàn

Chia sẻ tại toạ đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MSH Group cho hay, 6 tháng đầu 2021 có nhiều biến động, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hai tuần trở lại đây khi có Chỉ thị 16 thì lượng giao dịch bị ảnh hưởng. Trong thời gian giãn cách này, khách hàng sẽ tìm hiểu thông tin, chờ dịch bệnh kết thúc. Theo đó, nếu tháng 8 chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh thì cuối năm thị trường sẽ giao dịch tốt, nhiều chủ đầu tư đang chờ tung hàng ra, thị trường bất động sản cuối năm có thể có đợt sóng mới.

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, thị trường các tháng cuối năm nhìn chung khó đoán vì phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch Covid. Nếu dịch Covid kéo dài đến tháng 7 trong kế hoạch, thì các nhà đầu tư có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu kéo dài đến tháng 8 – tháng 9 là một bài toán lớn, bắt đầu gây khó khăn cho khoảng 30%-40% nhà đầu tư trên thị trường. Lúc đó 4 tháng không có doanh thu, trong đó chi phí và các đợt đóng tiền bất động sản vẫn tiếp tục sẽ gây áp lực rất lớn lên các nhà đầu tư này.

“Khoảng hết quý III, nếu dịch Covid kiểm soát tốt, thì sẽ có một cơn sóng bất động sản nhỏ, nhất là đất nền vùng ven. Cơn sóng nhỏ này được tạo ra sau khi hết dịch khoảng một tháng. Tôi nghĩ nó sẽ rơi vào tầm tháng 10 – 11. Tuy nhiên, đó chỉ là cơn sóng nhỏ về thị trường đất nền thôi. Còn những sản phẩm cao cấp ngay trung tâm thành phố lại gặp một số khó khăn nhất định”, ông Quang khẳng định.

Ông David Jackson, CEO Colliers Việt Nam cho rằng, dù thị trường BĐS đang giảm tốc do dịch bệnh, nhưng vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số phân khúc vào các tháng cuối năm. Chẳng hạn, phân khúc đất nền, đây dự báo vẫn là phân khúc khá sôi động. Khi mà quỹ đất “sạch” tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm, đất nền vùng ven (Tp.Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh) tiếp tục giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới từ đợt “sốt” đất vừa qua. Trong khi phân khúc chung cư, thì căn hộ hạng sang tại Tp.HCM đã xác lập mặt bằng giá mới trong tháng 5/2021 với việc một dự án tại quận 1 được chào bán ra thị trường có mức giá dao động từ 10.000 – 18.000usd/m2. Theo đó, cả nguồn cung và sức cầu của thị trường sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Theo vị chuyên gia này, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá bất động sản còn chịu tác động bởi sự gia tăng chi phí đầu vào, theo đó, trong ngắn hạn thì giá bất động sản giảm là khả năng khó xảy ra.

Ngoài ra, các tín hiệu đáng trông đợi nhất là phản ứng chống dịch quyết liệt và triển khai tiêm vắc-xin trên diện rộng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo triển vọng tăng trưởng những tháng cuối năm, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại. Bất động sản công nghiệp vẫn là phân khúc sôi động khi nguồn cung đất khu công nghiệp không còn nhiều. Đồng thời, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều người chọn lựa. Nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với quý trước và tập trung chủ yếu ở thị trường các các tỉnh giáp ranh Tp.HCM và sẽ không có nhiều biến động gồm cả về mặt bằng giá.

Cùng quan điểm, dự báo của Savills cho thấy từ đây đến năm 2024, nguồn cung sẽ phục hồi đáng kể với khoảng 120.000 căn hộ được tung ra thị trường. Thành phố Thủ Đức với tốc độ đô thị hóa và cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển chiếm thị phần cao nhất với 44%, tiếp theo là quận 7 chiếm 13% và Nhà Bè chiếm 8%. Mặc dù vậy, rủi ro của thị trường vẫn còn hiện diện. Dù dịch bệnh thể ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo và bán hàng của các chủ đầu tư, nhưng giá nhà đất tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt tại khu vực ngoại thành có thể vượt quá khả năng của người mua nhà.

Chia sẻ trước đó, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua nhiều biến động, song luôn đi theo quy luật: Chu kỳ khó khăn sẽ xuất hiện chu kỳ phục hồi. Đặc biệt sau mỗi lần phục hồi, thị trường ngày càng phát triển theo hướng bền vững và sôi động hơn với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư, nhiều phân khúc mới bắt kịp đa dạng nhu cầu của khách hàng. Ngay cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất, chỉ những nhà đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính thì mới ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu biết cân đối tài chính, “liệu cơm gắp mắm” hoặc sử dụng hoàn toàn tiền nhàn rỗi thì rủi ro gần như bằng 0. Qua giai đoạn khó khăn, giá trị BĐS sẽ luôn tăng trưởng theo thời gian.

“Kể cả trong thời điểm BĐS khó khăn nhất, tê liệt một thời gian dài, thị trường vẫn phục hồi và tăng trưởng tốt. Trong khi đó, những ảnh hưởng của dịch bệnh với thị trường BĐS thời gian này chỉ đang dừng ở mức tạm ngưng giao dịch ở một số địa phương. Giá BĐS vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà vẫn đang có xu hướng tăng nhẹ. Do đó, những ảnh hưởng hiện tại chỉ mang tính ngắn hạn, thị trường BĐS giờ đây đang như chiếc lò xo bị nén, sẽ bật dậy tăng trưởng mạnh mẽ ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Toàn nhấn mạnh.

 

Hạ Vy

Theo Nhịp sống kinh tế