TRUNG QUỐC VS THÁI LAN CUỘC CHIẾN GIÀNH THỊ PHẦN BÁN LẺ TRÊN ĐẤT VIỆT NAM
Theo Scott Galoway – tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tứ đại quyền lực”, lịch sử ngành bán lẻ thế giới diễn ra ở Châu Âu, Mỹ đã trải qua 6 giai đoạn: (i) Cửa tiệm góc đường, (ii) cửa hàng bách hóa, (iii) Siêu thị (iv) Đại siêu thị, (v) Siêu thị hạng sang và (vi) Thương mại điện tử, chính sự tăng trưởng nhanh và mạnh của các trang thương mại điện tử trên thế giới như Amazon, Alibaba, Ebay…và sự giảm sút của ngành bán lẻ truyền thống (Walmart, Kmart, *Macy’s…) đã chứng minh cho xu thế tât yếu tương lai nằm ở nhà mua cả thế giới bằng một cú click chuột .
Ngành bán lẻ Việt Nam đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng và trải qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa bán lẻ truyền thống với sự thống trị của các thương hiệu (Big C, Coopmart, Metro, Vinmart….) và sự gia nhập vào ngành thương mại điện tử của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các trang thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki, sendo, adayroi…
Nhìn lại một cách tổng quan thì cuộc chiến này thể hiện sự lép vế của các doanh nghiệp nội địa kể cả trong ngành bán lẻ truyền thống hay cả thương mại điện tử, mà chính là cuộc chiến giành giật thị phần giữa các Tập đoàn bán lẻ của Thái Lan (Central Group, Singa, TCC Group) và các Tập đoàn thương mại điện tử của Trung Quốc (Alibaba Group, Tecent..)…sự cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài phần nào đe dọa sự phát triển của ngành bán lẻ trong nước cũng như khó khăn trong việc tìm đường vào các hệ thống phân phối lớn này, sẽ là thảm họa nếu hàng hóa cùa doanh nghiệp Việt không thể bán lại cho người Việt trên thị trường Việt Nam.
(i) CUỘC ĐỔ BỘ CỦA CÁC TỶ PHÚ THÁI LAN TRONG 5 NĂM TỪ 2014-2019
Đầu tiên chúng ta phải nhắc tới các cuộc thâu tóm đình đám trong khoảng 5 năm vừa qua của các doanh nghiệp Thái Lan, chính vì sự bão hòa của thị trường trong nước khiến cho các tập đoàn Thái Lan tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn chuyển giao giữa bán hàng truyền thống qua hệ thống phân phối/siêu thị quy mô lớn tới việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử. Các tập đoàn Thái Lan đã nhanh chân thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với mục đích khá rõ ràng tăng sự hiện diện của hàng Thái Lan vào thị trường Việt Nam. Với dân số hơn 90 triệu người, các hệ thống phân phối chỉ chiếm 20%, hàng Thái Lan rất được ưu chuộng tại Việt nam thì rõ ràng việc hàng Thái đổ bộ và lấn át hàng nội địa chỉ là câu chuyện một sớm một chiều.
Trong cuộc đổ bộ của người Thái vào thị trường Việt Nam đầu tiên phải kể đến TCC Group của Bố Già Châu Á Charoen Sirivadhanabhakdi người đang sở hữu ThaiBev, TCC Land, Frasers, FN…đã thực hiện hàng loạt thương vụ đình đám ở Việt Nam với tổng giá trị tương đương 8 tỷ USD vào hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam, Phú Thái Group, B’smart, 19% Vinamilk và gần đây là Sabeco…Tỷ phú này sau khi mua Metro đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong siêu thị Metro, bên cạnh đó việc sở hữu hệ thống phân phối khủng của Sabeco việc phân phối các đồ uống của ThaiBev vào thị trường Việt Nam chỉ là câu chuyện thời gian. Tiếp đến là Central Group, tập đoàn này sở hữu rất nhiều chuỗi bán lẻ đình đám ở Việt Nam như: Siêu Thị điện máy Nguyễn Kim (phía nam), Chuỗi hệ thống Siêu Thị Big C, Chuỗi Siêu Thị Lan Chi (phía bắc), Robins.vn (Zalora), Marks & Spencer…tổng giá trị đầu tư đối với các thương vụ mua bán sáp nhập ở Việt nam của Central rơi vào khoảng 5 tỷ USD. Ông chủ người Thái sau khi thâu tóm thành công Big C đã tuyên bố đưa 60% hàng của Thái vào các siêu Thị Big C, sau đó hàng loạt nhãn hiệu Việt phải rời khỏi hệ thống vì chiết khấu cao điển hình là hàng loạt cửa hàng Thế giới di động phải rời đi. Cuối cùng là Singha Asia Holding Pte Ltd đầu tư chiến lược hơn 1,1 tỷ USD vào Masan Holding tập trung vào các lĩnh vực tiêu dùng nhanh như nước tương, cà phê, nước khoáng và bia…
Kết quả trong vòng 5 năm các Tập đoàn Thái cùng với sự hỗ trợ không nhỏ của Chính phủ Thái Lan trong việc cho các Tập đoàn này vay vốn để đầu tư vào Việt Nam, họ đã sở hữu hệ thống phân phối chính từ các cửa hàng nhỏ, cho tới các siêu thị nhỏ và các đại siêu thị, trong kinh doanh ai nắm được hệ thống phân phối người đó sẽ thắng. Hàng Việt Nam trong các siêu thị chắc chắn sẽ giảm sút, hàng Thái vừa chất lượng vừa được hỗ trợ bởi hệ thống sẽ thâm nhập sâu hơn vào thị trường, và trong cuộc chiến này còn mỗi hệ thống Siêu thị Sai Gon Coop một mình giành lại thị phần….
(ii) CUỘC ĐỔ BỘ CỦA CÁC ĐẠI GIA TRUNG QUỐC VÀO VIỆT NAM
Trong dòng chảy của thương mại điện tử, sự xuất hiện của các tên tuổi lớn trên thị trường Việt Nam là điều không quá bất ngờ, tuy nhiên, sự xuất hiện chủ yếu đến từ các đại gia Trung Quốc và không có bất cứ nhà đầu tư lớn nào từ Châu Âu hay Mỹ mới là câu hỏi cần được giải đáp. Theo nghiên cứu của tổ chức United Nation, ở Việt Nam hiện này có hơn 64 triệu người sử dụng internet và trong số đó có hơn 65% sử dụng điện thoại thông minh, điều này làm cho quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam tăng trưởng một cách đáng kể và theo dự báo của e-Conomy SEA quy mô thị trường Việt Nam sẽ sớm vượt thị trường Thái Lan (43 tỷ USD) vào năm 2025.
Trên sân chơi Thương mại điện tử hiện tại sau sự rút lui của Adayroi sở hữu bởi tập đoàn VinGroup thì còn lại các tên tuổi Lazada, Shopee, Tiki và Sendo, trong số các trang thương mại điện tử lớn nhất Việt nam hiện tại ngoại trừ Sendo sở hữu bởi FPT thì các trang thương mại điện tử còn lại đều được sở hữu bởi các tên tuổi đến từ Trung Quốc trong đó có Lazada (sở hữu bởi tập đoàn Alibaba), Tiki, Shopee (sở hữu bởi http://JD.Com/, SEA, VNG mà thực chất đều là các khoản đầu tư đến từ Tập đoàn Tencent). Trường hợp Tiki và Sendo sáp nhập để tạo nên kỳ lân đối trọng cùng với Lazada và Shopee thì lúc này nhìn rõ ràng cuộc chiến của hai gã nhà giàu của Trung Quốc một bên là Alibaba và một bên là Tencent.
(iii) CƠ HỘI NÀO CHO DOANH NGHIỆP VIỆT
Cho tới đây có thể hình dung sự khó khăn và khốc liệt của các doanh nghiệp Việt trên bàn cờ của ngành bán lẻ, khi thị trường bán lẻ truyền thống là sự cạnh tranh của các Doanh nghiệp Thái, thị trường thương mại điện tử là cuộc chơi đốt tiền của các gã nhà giàu Trung Quốc. Và trong cuộc chiến giữa ngành bán lẻ truyền thống ở giai đoạn chuyển giao sang hình thức thương mại điện tử vẫn có bóng dáng của các doanh nghiệp Việt như Sai Gon Coop, Thế giới di động với chuỗi cửa hàng phân phối và trang thương mại điện tử lớn thứ 5…nhưng sau sự ra đi một cách nhanh chóng của Tập đoàn Vingroup sau khi nhượng lại chuỗi siêu thị cho Masan và chấm dứt trang thương mại điện tử Adayroi báo hiệu cho một thời điểm rất khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam.
Là một cuộc chiến của hai người khổng lồ trên thị trường Việt Nam, trong đó phần thắng cho dù về ai thì các doanh nghiệp vẫn là những người thiệt thòi nhất, hàng Việt Nam không thể vào các Siêu thị nắm giữ bởi người Thái và cũng sẽ khó khăn khi đi qua sự kiểm soát của các ông chủ Trung Quốc khi phân phối qua các kênh thương mại điện tử, câu chuyện “Người Việt dùng hàng Việt” càng nên cổ vũ hơn bao giờ hết.
Dinh Minh Tuan