Dự kiến từ 10/8, hệ thống máy bơm “thông minh” chống ngập cho “rốn” ngập Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được đưa vào vận hành. Đại diện chủ đầu tư đã cam kết “không hết ngập, không lấy tiền”.

“Chắc chắn sẽ hết ngập”

Chiều 12/7, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa đã đi kiểm tra hệ thống bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).

Hiện toàn bộ máy móc, thiết bị đã được chủ đầu tư vận chuyển đến công trường từ ngày 8/7. Dự kiến đến trước ngày 10/8 hệ thống bơm sẽ hoàn thành, để kịp chống ngập cho khu vực vào mùa mưa.

Ông Nguyễn Tăng Cường – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (đơn vị đầu tư) cho biết:

Hệ thống nặng gần 100 tấn, được xem là hệ thống máy bơm chống ngập “khổng lồ” nhất hiện nay trên địa bàn TP.

Máy bơm có công suất lên đến từ 27.000 m3/giờ đến 96.000 m3/giờ đủ thắng được cột nước trung bình của triều cường cao 1,35 m, cao hơn khoảng 30 lần so với máy bơm bình thường.

Máy bơm còn được trang bị hệ thống van một chiều đóng mở tự động. Khi mưa lớn vẫn có thể bơm nước mưa và đẩy ra sông một cách linh hoạt. Ngoài ra còn có hệ thống lọc, tách rác tự động để bảo vệ môi trường và thông cống.

Bơm cũng được trang bị camera quan sát hình ảnh từ xa và trang bị các cảm biến báo mực nước, tự động để kịp thời báo động cho thợ vận hành máy bơm, luôn sẵn sàng đối phó với ngập lụt.

Thay vì chạy bằng điện có thể bị ngắt khi trời mưa hay bị chập điện gây nguy hiểm cho người và thiết bị, máy bơm dùng diezen, an toàn và chi phí đầu tư thấp hơn“, báo Thanh Niên trích lời ông Cường.

Sau khi nghe báo cáo từ nhà đầu tư và quan sát thực tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, thành phố rất quan tâm đến hiệu quả thử nghiệm công nghệ chống ngập mới bằng hệ thống bơm thông minh của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung.

Nếu thử nghiệm thành công ở đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ mở ra hướng mới cho công tác chống ngập của Thành phố.

TP sẽ tạo mọi điều kiện để dự án tiến hành thuận lợi, song vẫn lưu ý việc thực hiện dự án phải đảm bảo an toàn lao động, không ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu dân cư có lắp đặt máy bơm (đảm bảo các tiêu chí về tiếng ồn) và đảm bảo đúng tiến độ đi vào hoạt động vào ngày 10/8.

TP sẽ thuê máy bơm một năm, nếu làm tốt sẽ thuê tiếp làm chỗ khác“, Bí thư Nhân nói.

Trước thông tin TP HCM tính thuê 1 năm, ông Cường cho biết tổng vốn đầu tư máy bơm khoảng 89 tỉ đồng, chi phí đầu tư công trình hiện đại, kiên cố tốn thêm khoảng 10 tỉ là khá lớn với nhà đầu tư.

Sau này nếu TP không thuê máy bơm, chủ đầu tư sẽ phải bỏ gần hết phần đầu tư công trình, không dùng được.

Chắc chắn khi đưa máy xuống sẽ hết ngập, không hết ngập chúng tôi sẽ không lấy tiền.

Nhiều doanh nghiệp ứng tiền làm còn chưa đến đâu, còn công ty mạnh dạn làm cho TP để chứng minh công nghệ, tính hiệu quả nên mong TP gia hạn thêm thời gian thuê“, ông Cường cam kết.

Không phải chuyện “chém gió” cho vui tai!

Trả lời PV báo Tiền phong tháng 10/2016, ông Nguyễn Tăng Cường cho biết, cách đây 7 năm, Tập đoàn Quang Trung đã từng thi công một số cầu vượt kết cấu thép tại TPHCM. Chính vì thế ông có thời gian gắn bó, đi lại trên các tuyến đường ở thành phố này.

“Trước khi đề xuất phương án giải quyết tình trạng ngập úng cho TPHCM, tôi đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm thị sát một thời gian dài tại các tuyến phố, đồng thời dựa vào các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đơn vị quản lý chuyên ngành cấp thoát nước của TPHCM từ nhiều năm qua”, ông Cường cho biết và thông tin thêm giải pháp của mình là cách tốt nhất để xử lý tình trạng ngập của TP HCM, chứ không phải là chuyện “chém gió” cho vui tai.

Cũng theo nguồn tin trên, nhiều đồng nghiệp trong ngành xây dựng khi chứng kiến doanh nghiệp ông Cường thi công các công trình quan trọng của đất nước như thuỷ điện Sơn La, Lai Châu… đều nhận xét: “Lão này là người nói được, làm được“.

Hệ thống “siêu bơm” chống ngập do PV báo Người lao động ghi nhận chiều 12/7: